Mình định đặt tiêu đề của bài viết theo một câu trích dẫn trong sách của tác giả Phan Văn Trường, nhưng dài quá thành ra rút gọn còn bấy nhiêu. Ngẫm ra để ngắn vậy chắc cũng khiến các bạn tò mò xíu.
Phần rút gọn mà mình đã lược bỏ đầy đủ phải là “Ngày nay, cho dù bạn có nghề tri thức nào đi chăng nữa, bạn cũng nên có thêm nghề chân tay, nhất là nghề nào mà robot không thể thay thế”. Phân đoạn nói về nghề tay chân này cũng chính là phần mình ấn tượng nhất trong cuốn “Một đời như kẻ tìm đường” của tác giả.
Giới thiệu sơ qua thì tác giả là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Nói thế để các bạn cũng biết, học vấn của tác giả là điều không phải ai cũng có được, và tầm nhìn đáng ngưỡng mộ này cũng chính là điều dẫn dắt mình làm bánh ngoài công việc chính hiện tại. Ngoài ý chính nêu ở trên, mình sẽ trích thêm một đoạn dài để làm rõ ý tưởng của bài viết này. Mình đoán là các bạn sẽ thích.
“Tôi có một ông bạn hàng xóm vô cùng linh động khi ông ấy đã khuyến khích cả 3 đứa con của mình học thêm nhiều nghề khác nhau. Đứa con trai đầu, song song với việc tiếp tục học đại học ngành kinh tế, đang học thêm âm nhạc. Đây không phải là lối học âm nhạc mà tất cả những đứa con trong những gia đình phong lưu theo học, mà là âm nhạc để chơi trong ban nhạc, để sáng tác nhạc, để mang kiến thức nhạc đi dạy học. Cháu chơi nhiều loại nhạc cụ, tất nhiên có ghitar, nhưng đây là nhiều loại guitar như bass, cổ điển. Cháu chơi dương cầm, thổi clarinette, và chơi cả trống jazz. Tóm lại, cháu là cả ban nhạc. Cháu trai thứ hai mới 22 tuổi, đang theo đuổi môn quản trị kinh doanh tại một trưòng đại học có tiếng, nhưng còn là một đầu bếp có hạng. Cháu những hướng đi khi thi về nghề nghiệp và cuộc phiêu lưu khám phá bản năng đã học xong khóa làm bánh pastries ngọt theo phong cách của Pháp, theo học khóa nấu nướng cơm Việt, gần đây đã đăng kí học bếp cơm Ý Đại Lợi. Tóm lại, một mình cháu là một quán ăn với các món Tây và Ý. Còn cô con gái úi đang học thêm ngành thủ công nghệ chuyên về sửa chữa các đồ cổ đã bị hư hại qua thời gian. Cháu rất khéo tay và trong những giờ rảnh rỗi cháu còn biết làm đồ gốm để trang trí và để bán nếu cần.
Tôi hỏi anh bạn hàng xóm chủ đích của anh là gì, và tôi khác thích thú khi nghe anh giãi bày “Các nghề này là các cháu tự chọn. Nhưng tôi cũng giúp các cháu hiểu được nguyên lý của sự lựa chọn. Thứ nhất giúp các con có thú tiêu khiển ích lợi. Thứ hai tạo cho các con có cơ hội để tập sử dụng bàn tay của mình song song với các môn dùng trí óc. Thứ ba mớm cho các con vào những lĩnh vực mang chút tính nghệ thuật, như nghệ thuật làm bánh, âm nhạc và tạo ra đồ trang trí. Tôi nghĩ con người không bao giờ được sao lãng nghệ thuật. Thứ tư nếu chẳng may nghề chính mà các con theo học không còn giúp chúng nó kiếm tiền thì đã có sẵn nghề khác trong tay để xoay sở. Nghề tay trái và nghề tay phải. Những nghề không bao giờ chết đều liên quan ít nhiều đến ẩm thực, giải trí, có phải thế không ?”
Khi đọc xong đoạn này, quả thật là đầu óc mình như bừng sáng hẳn ra.
Trước đây mình thích vô cùng ý tưởng có một sở thích bên ngoài công việc chính, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc học cho phong phú kĩ năng, cho cuộc sống của mình thêm thú vị.
Mình cũng thích sáng tạo, cho nên cũng coi như việc bánh trái có thể làm mình thỏa mãn những chuyện bay bổng.
Mình cũng thích viết lách, nên định tâm sự những chuyện nhỏ bé linh tinh qua mỗi lần làm bánh mới.
Chưa bao giờ mình nghĩ là sẽ nghiêm túc phát triển sở thích như một món nghề có thể duy trì cuộc sống, cho tới khi đọc được những dòng tâm sự của tác giả. Mặc dù công việc hiện tại khá tốt, nhưng cũng có lúc, giả sử như mình thất nghiệp ( 😀 ) thì công việc nào mình sẽ làm tiếp theo đây ? Mình cũng từng đọc được những bài viết, chia sẻ về bước ngoặt cuộc sống bất ngờ khi mình có một kĩ năng nào đó tốt và xã hội cần, vậy tại sao mình không phát huy thêm những điều mà mình đang làm được để mình có thêm cơ hội mới nhỉ ? Mình cũng không chắc việc làm bánh này sẽ đem lại những gì phía trước nữa, nhưng mình và các bạn cũng nên tự cho mình thêm những hi vọng mới, có phải không 😀